Bia và rượu cái nào hại hơn ?
Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, như vậy, nếu uống cùng một lượng bia hoặc rượu, thì bia nhẹ độ cồn hơn. Tuy nhiên, nhiều người thường uống một lúc quá nhiều bia. Cơ thể vì vậy cũng đào thải nhiều chất vi khoáng tốt. Do đó, “Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng cồn uống, cách thức uống, tần suất uống”, bác sĩ Hào nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Sức khỏe tâm thần Trung ương, khó có thể nói uống bao nhiêu rượu bia là nhiều. Hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe. Thực tế, nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học…
“Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, cũng khó xác định rượu hay bia độc hơn. Nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ và cơ địa mỗi người”, ông Tuấn nói.
Trung bình trong 100 ml rượu 40 độ chứa 400 g ethanol, 100 ml rượu vang có 12 g ethanol, 100 ml bia chứa 5 g ethanol.
Liều lượng uống ít gây hại mỗi ngày đối với cơ thể là một lon bia khoảng 330 ml (5% alcohol) hoặc 100 ml rượu vang (12% alcohol) hay 40 ml whisky (40% alcohol), pha kèm với đá lạnh, theo ông Tuấn.
Phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên uống bia rượu. Thai phụ vẫn sử dụng rượu thì nên dưới 1-2 đơn vị một tuần và không được say.
Các tác hại của bia rượu
Thông thường, nồng độ cồn 0,16 – 0,2 g trong 100 ml máu là đủ làm một người say rượu, thị lực giảm. Từ 0,21 đến 0,3 g cồn trong 100 ml máu khiến người uống ngộ độc, nôn, không tự chủ được bản thân. Nồng độ cồn từ 0,5 g trong 100 ml máu có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt khi lưỡi mềm tụt sâu vào đường thở gây suy hô hấp và ngừng thở, trụy mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt.
Ngoài ra, chất cồn trong rượu bia gây nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của hệ thần kinh trung ương, làm giảm tỉnh táo, rối loạn ý thức, ảnh hưởng đến hành vi người uống. Người nghiện rượu, bia dễ suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, phản xạ chậm, ảo giác dẫn đến bạo lực gia đình, tai nạn giao thông…
Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Cồn là một chất hướng thần gây nghiện, nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.
Bên cạnh đó, rượu bia còn gây ảnh hưởng tới việc điều khiển phương tiện giao thông. Người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở cao làm ức chế thần kinh dễ gây buồn ngủ, hôn mê, ảo giác. Nguy hiểm hơn nó làm giảm khả năng nhận biết, phán đoán các tình huống nguy hiểm; giảm kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, tâm lý coi thường sự nguy hiểm và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông .
Người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nếu không may để xảy ra tai nạn giao thông còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế do mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ. Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng.
Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân, có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác. Hậu quả của tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2020, nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Nguồn: Theo Phòng khám chuyên khoa Gan Tâm Đức